Nước mắm là thức chấm quen thuộc, gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt Nam. Chén nước mắm hiện diện trong những bữa cơm chân quê đơn giản đến các buổi tiệc sang trọng trong nhà hàng, khách sạn…
Phần I: Tinh tế nước mắm Việt
Nếu người phương Tây cầu kỳ trong cách chế biến nước sốt thì người Việt cũng không kém phần tinh tế trong cách pha chế nước mắm. Với người Việt, mắm không chỉ đơn thuần là thức chấm mà nó còn thể hiện tính cộng đồng và mực thước trong bữa ăn. Bởi lẽ bát nước chấm đặt giữa mâm ai cũng phải dùng do đó nó trở thành thước đo sự ý tứ, trình độ văn hóa của mỗi người.
Nồi cơm ở đầu mâm và chén nước mắm giữa mâm là biểu tượng cho sự đơn giản mà tinh tế trong ẩm thực Việt: cơm gạo là tinh hoa của đất, mắm chiết xuất từ cá là tinh hoa của nước. Điều này cũng thể hiện sự quân bình âm dương trong cách ăn uống của người Việt. Trong các loại nước chấm thì nước mắm là thứ nước chấm chủ đạo của các món ăn Việt. Món ăn ngon hay dở nhiều khi được quyết định bởi chất lượng chén nước mắm.
Mắm là một thứ gia vị giàu protein cho những món ăn kho, xào, nấu và là thứ nước chấm đi kèm cho những món hấp, luộc… Dường như chén nước mắm là một đặc trưng, nó làm cho món ăn Việt khác với các món ăn của dân tộc khác.
Từ nước mắm nguyên chất thêm một số gia vị như tỏi, ớt, đường…ta đã có nhiều loại nước chấm khác nhau phù hợp với từng món ăn. Thức nào đi với nước chấm ấy. Món ăn dù ngon tới đâu nhưng nếu nước chấm dở thì người thưởng thức cũng sẽ không thể cảm nhận hết được hương vị vốn có của nó. Ngược lại chỉ một bữa cơm đạm bạc với đĩa rau muống luộc, nhưng có chén nước mắm pha chút ớt, tỏi, vắt thêm vài giọt chanh với nhiều người, cũng ngon miệng không kém gì sơn hào hải vị.
Không quá mặn, không quá chua, không quá cay, không quá ngọt, cái tài tình gia giảm của người đầu bếp đã góp phần mang lại bản sắc độc đáo cho món Việt. Nước mắm không chỉ làm cho những người Việt luôn nhớ hương vị quê hương mà còn khiến cho cả người nước ngoài khi đã quen không thể quên được hương vị độc đáo ấy.